Tiền vé "thổi bay" gần hết khoản thưởng Tết
Tối 14/1, sau nhiều giờ kiểm tra giá vé máy bay các chặng nội địa, anh Bình Minh (quê ở Nam Định, hiện sống và làm việc tại quận Gò Vấp, TPHCM) không khỏi hoang mang khi thấy tiền vé máy bay chặng TPHCM - Hà Nội hay TPHCM - Hải Phòng tăng phi mã.
"Tôi dự kiến về ngày 25/1, đặt vé của Vietnam Airlines đi từ TPHCM - Hải Phòng chuyến bay đêm, giá 7,6 triệu đồng/chiều. Ngày quay lại, giá vé cũng không hạ nhiệt bởi đó là thời điểm người lao động trở lại TPHCM. Trước mắt, tôi sẽ đặt trước vé một chiều, tới thời điểm đó rồi tính tiếp", anh Minh nói.
Bay chuyến đêm muộn chặng TPHCM - Hải Phòng có giá 7,6 triệu đồng/chiều đã gồm thuế phí (Ảnh: Nhân vật cung cấp).Trao đổi với phóng viên Dân trí, vị khách 28 tuổi cho biết, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, việc mua vé máy bay luôn khiến anh đau đầu nhất.
Năm nay, anh Minh nhận được khoản thưởng Tết hơn 20 triệu đồng, riêng tiền vé máy bay đi về dự kiến mất khoảng 70%. Vị khách cho biết, hiện vẫn chưa kết hôn nên mọi thứ tạm thời còn trong tầm kiểm soát. Nhưng giá vé máy bay tiếp tục tăng vọt qua từng năm khiến những người lao động xa quê như anh Minh thêm lo lắng.
"Nếu năm sau có thêm vợ con, cả nhà tôi chắc phải ăn Tết xa quê, khó gồng gánh nổi tiền vé máy bay", anh tâm sự.
Cũng giống như anh Minh, gia đình chị Đinh Thị Luyến (29 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng đau đầu tính toán chuyện ở lại hay về quê đón Tết.
Hai vợ chồng hiện sống và làm việc ở TPHCM. Biết vé máy bay dịp Tết luôn tăng cao, chị tìm cách đặt sớm nhưng thấy giá không rẻ hơn. "Nhiều người nghĩ đặt vé sớm sẽ rẻ hơn nhưng thực tế nhu cầu vẫn tăng cao nên giá vé không hề hạ nhiệt", chị nói.
Vé máy bay chặng TPHCM - Thanh Hóa ngày 25/1 đã hết sạch chỗ ở tất cả hạng ghế từ phổ thông tới thương gia (Ảnh: Chụp từ màn hình).
Khi được hỏi lý do tại sao không chọn ngày về sớm hơn, chị Luyến cho biết đã theo dõi giá vé suốt một tháng, có chặng rẻ hơn vài trăm nghìn nhưng cả hai không thể nghỉ việc sớm. Từ 10/1, giá vé lên đà tăng cao cho tới thời điểm hiện tại.
Nhẩm tính vé máy bay khứ hồi cho hai vợ chồng "thổi bay" luôn cả khoản lương thưởng dịp Tết, chị Luyến tính toán tới việc chuyển sang đi tàu cho tiết kiệm.
Tuy nhiên, năm nay Tết Âm lịch không có ngày 30 Tết và đi tàu sẽ tốn hơn một ngày rưỡi rồi phải tiếp tục bắt xe từ Hà Nội về Thanh Hóa, cả hai vẫn đang cân nhắc.
Tương tự, nhiều lao động xa quê khác tại TPHCM cho biết, năm nay do ảnh hưởng kinh tế nên khoản lương thưởng không như mọi năm. Để gói ghém chi tiêu, không ít gia đình chấp nhận ở lại thành phố.
Du lịch nội địa khó hút khách
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ kéo dài 9 ngày, từ 25/1 đến 2/2 (từ 26 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng). Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, vé máy bay nội địa ở các chặng cũng nóng lên từng giờ.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, các đường bay từ TPHCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh vào thời điểm 25/1 hết vé ban ngày và chỉ còn lại vài chuyến bay sớm hoặc bay đêm với giá từ 5 triệu đồng/chiều.
Tuy nhiên, khi đặt vé vào thời điểm các ngày giáp Tết, Vietnam Airlines đã hết sạch vé phổ thông và chỉ còn vé hạng thương gia dù được bổ sung thêm tàu bay. Chiều ngược lại,777PNL online casinophcity nhiều chuyến cao điểm cũng sớm hết sạch vé và chỉ còn vé hạng thương gia.
Các hãng bay vừa bổ sung 133.000 ghế ngồi trên các chặng nội địa nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển rất lớn của người dân vào dịp Tết (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Số liệu mới nhất từ Cục hàng không cho thấy, tính đến ngày 10/1, các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã bổ sung thêm 522 chuyến bay, tương ứng 133.000 ghế.
Tuy nhiên, đường bay từ TPHCM tới các điểm miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên vẫn trong cảnh cháy vé. Điều này cho thấy áp lực lớn của ngành hàng không trong mùa cao điểm.
Cụ thể, đường bay từ TPHCM đi Huế, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Vinh đều không còn vé. Đường bay từ TPHCM đi các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và ngược lại trong thời điểm ngày 25/1 đến 2/2 có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%.
Những chặng đã hết sạch vé như Hà Nội đi Buôn Mê Thuột (tỷ lệ kín chỗ 100%); TPHCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh, Chu Lai, Quy Nhơn, Nha Trang, Huế (tỷ lệ kín chỗ 100%).
Trên đà vé máy bay tăng cao, người mua cũng khó lòng sở hữu nếu không chốt sớm, các chuyên gia cho rằng, điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới chi phí, còn tác động tới du lịch nội địa dịp Tết Ất Tỵ.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, nhận định, vé máy bay thường chiếm khoảng 30-40% trong giá tour, nhưng dịp Tết Nguyên đán có thể lên tới 55%.
Điều này buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa từ 10% đến 20%. Qua đó có thể giảm sức hút của thị trường nội địa tới khách Việt.
Thực tế cho thấy, giá tour nội địa vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay khiến người tiêu dùng chuyển hướng đi tour nước ngoài như Trung Quốc (đi đường bộ có giá từ 3,5 triệu đồng/khách) hay Thái Lan (từ 12,9 triệu đồng/khách), Đài Loan, Trung Quốc (từ 14,9 triệu đồng/khách)...
Đại diện của Vietluxtour cho hay, tùy tình hình thị trường mỗi năm có diễn biến khác nhau, nhưng giá tour Tết duy trì mức tăng từ 5% tới 15% so với giá thời điểm bình thường.
Trước đó, theo lý giải từ Cục hàng không Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp người dân có nhu cầu đi lại cao nhất trong năm khiến các hãng bay phải hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, các hãng hầu như chỉ có một chiều là cháy vé, chiều còn lại phải thực hiện những chuyến bay rỗng (không có khách). Bởi vậy, hãng bay đã đưa ra mức giá trên nhằm cân đối bù đắp chi phí vận hành.